Sau khi dự đoán rằng thương mại điện tử sẽ bùng nổ, Jeff Bezos đã thành lập Amazon với tư cách là một nhà bán lẻ sách trực tuyến vào năm 1994. Dưới sự dẫn dắt của ông, “cửa hàng bán mọi thứ” đã trở thành một trong những công ty được đánh giá cao nhất trên thế giới, về vốn hóa thị trường, doanh thu và thương hiệu.
Thời điểm hiện tại, Bezos là CEO và chủ tịch của Amazon, chủ sở hữu công ty hàng không vũ trụ Blue Origin và là tỷ phú giàu bậc nhất hành tinh với khối tài sản hơn 183 tỷ USD.
Ngày 12/1 vừa qua, Bezos đã đón sinh nhật lần thứ 57. Nhìn lại hành trình khởi nghiệp từ con số 0 đến người giàu nhất thế giới của ông, các chuyên gia nghề nghiệp tin rằng phong cách lãnh đạo khác biệt đã giúp vị tỷ phú đạt được thành công như ngày nay.
14 nguyên tắc
Amazon nổi tiếng với việc có 14 nguyên tắc lãnh đạo tạo thành xương sống của công ty, bao gồm “bị ám ảnh bởi khách hàng”, “phát minh và đơn giản hóa”… Những giá trị này làm nổi bật niềm tin của Bezos rằng một bộ nguyên tắc vững chắc sẽ đi một chặng đường dài để đạt được thành công. Trong một lá thư gửi cho các cổ đông vào năm 1998, ông lập luận rằng “việc đặt tiêu chuẩn cao trong cách tiếp cận tuyển dụng của chúng tôi đã và sẽ tiếp tục là yếu tố quan trọng nhất tạo nên thành công của Amazon”.
Duy trì triết lý “ngày đầu tiên”
Đến nay, khi Amazon đã là một gã khổng lồ trị giá hơn 1.500 tỷ USD, Bezos vẫn điều hành tập đoàn như một công ty khởi nghiệp. Ông nổi tiếng với việc tiết kiệm chi phí của công ty. Ở Amazon không có bữa ăn miễn phí hay nơi nghỉ ngơi như nhiều ông lớn công nghệ khác. Ngoài ra, các giám đốc đều không ngồi ghế máy bay hạng nhất. Nhờ triết lý này, Amazon đã chống lại sự tự mãn có thể giết chết thành công của tập đoàn.
Fire Phone – một sản phẩm thất bại của Amazon.
Can đảm, tò mò và đặt khách hàng lên hàng đầu
Sydney Finkelstein, giáo sư Đại học Dartmouth và là người dẫn chương trình podcast kinh doanh “The Sydcast”, cho biết: “Triết lý bất thành văn của Bezos là lòng can đảm và sự tò mò. Theo tôi, đây chính là dấu hiệu của một nhà lãnh đạo vĩ đại”.
Trong một cuộc phỏng vấn với Business Insider năm 2018, Bezos nói rằng thời gian làm việc ở trang trại của ông bà đã dạy ông bài học “siêu quan trọng” là phải tháo vát. Ông nói: “Nếu có vấn đề, sẽ có giải pháp”.
Trong các cuộc họp điều hành, Bezos thường để trống 1 chiếc ghế để đại diện cho khách hàng. Điều đó nhằm nhắc nhở mọi người phải hiểu rằng khách hàng mới là “người quan trọng nhất trong phòng”. Ngoài ra, Bezos còn công khai email [email protected] để chuyển phản hồi của khách hàng đến cấp dưới có liên quan để xử lý.
Ủy quyền và chấp nhận rủi ro một cách thông minh
Bezos có xu hướng trao quyền cho cấp dưới của mình. Ông sẵn sàng làm theo ý tưởng của người khác, ngay cả khi nghĩ rằng họ có thể không đúng. Đó là điều khá “bất thường” đối với người lãnh đạo của một công ty tầm cỡ như Amazon.
Amazon đã tận dụng “cơ hội lớn” trong việc đa dạng hóa các dịch vụ của mình, chẳng hạn như mở rộng sang phát trực tuyến với Amazon Prime và dịch vụ giao đồ ăn Amazon Restaurants. Khi chúng không hoạt động, như Amazon Restaurants, họ dừng lại. Dù tốn một khoản tiền nhưng họ không ngại thử. Finkelstein tin rằng khả năng xây dựng đội ngũ phù hợp của Bezos là một phần quan trọng trong sự thành công của ông.
Cuộc họp “hai chiếc pizza”
Bezos thường tránh các cuộc họp trừ khi chúng thực sự cần thiết. Nếu điều hành một cuộc họp, ông sẽ dùng quy tắc “hai chiếc pizza”, theo đó, không bao giờ có cuộc họp mà 2 chiếc pizza không đủ để cả nhóm cùng ăn. Đối với Bezos, càng nhiều người trong cuộc họp thì hiệu suất càng kém.
Bên cạnh đó, Bezos cũng cấm hình thức trình chiếu PowerPoint khi họp. Để thay thế, Bezos đã tạo ra cách mới: Cuộc họp sẽ bắt đầu bằng việc mỗi người tham dự ngồi tại ghế và đọc bản tóm tắt dài 6 trang trong khoảng 30 phút đầu tiên. Người tham gia được khuyến khích ghi lại những điều đáng chú ý và sau khi thời gian kết thúc, họ sẽ cùng nhau thảo luận về các vấn đề liên quan.
Sức mạnh của những ngõ cụt
Một trụ cột quan trọng khác trong văn hóa của Amazon là cách tiếp cận “ngõ cụt” để đổi mới. Ví dụ bạn cảm thấy đang đi vào ngõ cụt khi ý tưởng thất bại nhưng nếu khách hàng đón nhận cách làm mới, ngõ cụt đó sẽ trở thành một đại lộ rộng lớn. Lý thuyết này dựa trên niềm tin bao trùm của Bezos trong việc chú ý đến những gì khách hàng muốn hơn là những gì người khác đang làm.
Dù chiến lược này từng chứng kiến một số thất bại như smartphone Amazon Fire chỉ tồn tại trong 1 năm và tiêu tốn 170 triệu USD nhưng nó cũng đem về không ít thành công. Nổi bật nhất là Amazon Web Services, nền tảng điện toán đám mây đã thu về hơn 25 tỷ USD cho tập đoàn trong năm 2018.
Nguồn: Business Insider
Bài viết liên quan
Có nên học Thạc sĩ Quản trị kinh doanh online?
Trong thời đại số hóa hiện nay, nhu cầu về việc nâng cao trình độ...
Th12
Chi phí học Thạc sĩ Quản trị kinh doanh và những điều cần biết
Theo đuổi chương trình Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh (MBA) không chỉ là cách...
Th12
Quy Nhơn: Hội thảo “Nâng cao năng lực quản trị thời kỳ AI” – Diễn giả Hoàng Nam Tiến
🌟 AI đang ngày càng thay đổi mọi khía cạnh trong cách vận hành...
Th12
Nên học Thạc sĩ Quản trị kinh doanh ở đâu?
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ngày càng cạnh tranh, việc sở hữu tấm...
Th12
Chương trình MBA tại Hà Nội đáng đầu tư nhất
Nhằm đáp ứng nhu cầu nâng cao năng lực để phát triển sự nghiệp, nhiều...
Th12
Có thể học MBA không cần bằng Đại học không?
MBA (Master of Business Administration) là chương trình Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh được...
Th12