Theo các chuyên gia, trong bối cảnh kinh tế suy thoái và khoa học công nghệ ngày càng phát triển, yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp ngày càng cao hơn và người lao động phải học hỏi không ngừng.
Trước đây, người lao động chỉ cần đạt 6 điểm đã có thể được tuyển dụng thì hiện nay, yêu cầu đã tăng lên mức 8-9 điểm. Vì thế, bí quyết để có việc làm chính là không ngừng nỗ lực học tập suốt đời để “nâng cấp” bản thân.
Đây là chia sẻ của các chuyên gia tại tọa đàm “Phát triển sự nghiệp thời suy thoái kinh tế” do Viện Quản trị và Công nghệ FSB (thuộc Đại học FPT) phối hợp cùng Navigos Search (công ty chuyên cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự) tổ chức chiều 19/10.
Tọa đàm nhằm mang đến góc nhìn thực tế về bức tranh nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và giúp người lao động tìm ra hướng đi phù hợp để duy trì lợi thế cạnh tranh, xây dựng, phát triển sự nghiệp trong bối cảnh suy thoái kinh tế với nhiều khó khăn.
Yêu cầu chất lượng nhân sự “leo thang”
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh suy thoái kinh tế do ảnh hưởng của quá trình phục hồi sau đại dịch và tác động tiêu cực từ xung đột địa chính trị, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng. Để vượt qua khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự.
Bên cạnh đó, sự ra đời và phát triển ngày càng thông minh hơn của các robot cũng khiến cho nhu cầu nhân sự cắt giảm mạnh mẽ. Cùng với việc cắt giảm, nhu cầu chất lượng nhân sự cũng được tăng lên nhằm tăng hiệu suất công việc.
Từ quan sát thực tế, với hơn 20 năm gắn bó với lĩnh vực tư vấn nhân sự và tuyển dụng, bà Ngô Thị Ngọc Lan, Giám đốc khu vực miền Bắc Navigos Search cho hay tiêu chí tuyển dụng của các doanh nghiệp ngày càng khắt khe hơn. Bà Lan nêu ví dụ, trước đây, một ứng viên chỉ cần đạt 5-6/10 điểm đã có thể được nhận nhưng hiện nay, ứng viên phải đạt 8-9 điểm. Ứng viên không chỉ phải làm được công việc hiện tại mà phải có năng lực đáp ứng yêu cầu của công việc trong tương. Tỷ lệ chọi cho các vị trí cũng cao hơn, mức độ cạnh tranh nhiều hơn.
Lý giải điều này từ vị trí đơn vị sử dụng lao động, bà Mai Thúy Hằng, Phó Tổng Giám đốc Sun Group cho biết suy thoái kinh tế và biến cố khi trải qua dịch bệnh khiến người dân chặt chẽ hơn trong tiêu dùng, khắt khe hơn trong các yêu cầu, đòi hỏi. Và vì thế, doanh nghiệp cũng buộc phải khắt khe hơn về lựa chọn nhân sự. Áp lực của doanh nghiệp là làm sao chất lượng tốt hơn, tăng giá trị, nhưng giá thành phải hợp lý hơn. Để đáp ứng yêu cầu đó thì quy trình chỉ là một phần, phần quan trọng hơn là con người, đặc biệt là trong kinh doanh dịch vụ. Vì thế, tiêu chuẩn nhân sự không chỉ cao hơn mà còn phải đa chiều hơn, phức tạp hơn.
Với những ngành sản xuất, con người còn phải cạnh tranh việc làm với… robot. Theo ông Hoàng Nam Tiến – Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT, robot có nhiều lợi thế mà con người không thể cạnh tranh như làm việc 24h/ngày, 7 ngày/tuần, liên tục 365 ngày/năm, không mất thời gian tối thiểu như đi vệ sinh, không đòi tăng lương, không phải giải quyết các vấn đề mâu thuẫn phức tạp và giá thành robot lại ngày càng rẻ. Vì vậy, ở nhiều công đoạn của nhiều ngành, robot đang ngày càng thay thế con người nhiều hơn, hàng triệu công nhân đối diện nguy cơ thất nghiệp. Ngày nay, với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, thậm chí cả những ngành nghề vốn đòi hỏi trình độ cao hơn cũng dần bị thay thế.
Học tập chọn lọc, học tập suốt đời
Theo ông Hoàng Nam Tiến, những tiến bộ của khoa học công nghệ khiến yêu cầu đối với con người ngày một cao hơn và đa dạng hơn, và vì thế phải học hỏi không ngừng. Lấy ví dụ thực tế, ông Tiến cho hay trước đây, một kỹ sư ra trường thông thạo một ngoại ngữ và một loại ngôn ngữ lập trình là có thể đạt mức lương hàng chục triệu đồng mỗi tháng, nhưng ngày nay, nếu chỉ có “vốn liếng” đó, kỹ sư có thể sẽ mất việc bởi các dòng lệnh thiết lập bằng ngôn ngữ java, thậm chí Chat GPT có thể làm thay.
“Vậy sinh viên muốn ra trường không bị trí tuệ nhân tạo thay thế thì phải làm gì? Các em phải học thêm về bigdata, về Al, về blockchain… Chỉ bằng đại học thôi là không đủ mà các doanh nghiệp hiện nay đòi hỏi phải học chuyên sâu hơn, có thể là học chính quy hoặc các khóa ngắn hạn, học online,” ông Tiến chia sẻ.
Cũng theo ông Tiến, phải có một mục tiêu rất rõ ràng mới có thể đi được đường dài, mới đủ năng lực và sự kiên nhẫn. Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT cũng cho rằng việc học rất đa dạng, không chỉ học từ thầy cô mà còn từ chính những người xung quanh mình, từ bạn bè, đồng nghiệp, những người trẻ hơn, thậm chí từ chính trí tuệ nhân tạo, internet.
Bàn thêm về vấn đề này, bà Ngô Thị Ngọc Lan khẳng định cần phải học tập suốt đời nhưng cũng cần phải có sự chọn lọc vì quỹ thời gian có hạn và phải dành cho những việc quan trọng nhất. Vì vậy, cần biết khóa học nào là quan trọng, cần thiết.
“Để chọn khóa học, đầu tiên phải xác định mục tiêu chúng ta cần hướng đến là gì? Khóa học đó có tác dụng gì đối với mình? Nếu như khóa học đáp ứng được những mục tiêu mà chúng ta cần hướng tới thì nên học. Tiếp đó, cần tìm hiểu chất lượng đào tạo, mức độ phù hợp,” bà Lan tư vấn.
Xem thêm: MBA dạy bạn những gì?
Theo bà Lan, cùng một khóa học có rất nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ, với nhiều hình thức đào tạo, từ ngắn hạn đến dài hạn, trực tiếp tới online, nhiều mức giá. Vì vậy, người học cần tìm hiểu kỹ để lựa chọn.
Là chuyên gia nhân sự, bà Lan cho rằng ở mỗi vị trí, yêu cầu về năng lực lại có sự thay đổi. Trong khi với sinh viên mới ra trường hay người làm công tác chuyên môn, cần học tập trung cho một lĩnh vực thì với vị trí quản lý còn cần khả năng giải quyết các vấn đề của hiện tại, dự đoán những vấn đề trong tương lai, khả năng đưa ra các chiến lược và triển khai được các chiến lược đó. Điều này đòi hỏi ứng viên phải có nền tảng tốt.
Trang bị kiến thức nền tảng cũng là vấn đề được bà Mai Thúy Hằng, Phó Tổng Giám đốc Sun Group nhấn mạnh. Theo đó, dù khẳng định việc học các khóa học kỹ năng ngắn hạn hay thực chiến là cần thiết, nhưng bà Hằng cho rằng xây dựng kiến thức nền tảng vững chắc mới là cách giúp người lao động học nhanh, hiểu nhanh, hiểu sâu và đi được đường dài./.
Phạm Mai (Vietnam+)
Bài viết liên quan
Lễ khai giảng chương trình đào tạo SEMBA và MSE 2024: Cột mốc khởi đầu cho hành trình học tập đầy hứa hẹn
Vừa qua, Lễ khai giảng chương trình Thạc sĩ Quản trị kinh doanh (SEMBA) và...
Th9
Có nên học Thạc sĩ? Những yếu tố quan trọng cần cân nhắc
Học thạc sĩ là một quyết định lớn đối với bất kỳ ai đang tìm...
Th9
3 đích đến quan trọng của việc học Thạc sĩ
“Khi bạn đi học, học thạc sĩ hay bất cứ một chương trình nào, bạn...
Th9
Học cao học: Cơ hội phát triển sự nghiệp và nâng cao tri thức
Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường lao động, học...
Th9
Tuyển sinh sau đại học: Cơ hội mở rộng kiến thức và phát triển sự nghiệp
Trong bối cảnh nền kinh tế và khoa học kỹ thuật phát triển không ngừng,...
Th9
Có nên học thạc sĩ online không? Ưu điểm và hạn chế của việc học thạc sĩ online là gì?
Trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ, việc học thạc sĩ online đang...
Th9