Phong cách quản lý nào tốt nhất? Cách xác định phong cách quản lý phù hợp 

Để thành công với vai trò quản lý, bạn không chỉ cần có kiến thức chuyên môn, kỹ năng quản trị con người mà còn cần biết cách áp dụng những phong cách quản lý phù hợp với từng tình huống cụ thể. Trong bài viết dưới đây, hãy cùng tìm hiểu chi tiết về các phong cách có thể giúp nhà quản lý dẫn dắt đội ngũ thành công. 

phong-cach-quan-ly

Phong cách quản lý là gì? 

Phong cách quản lý được hiểu là phương thức nhà quản lý tiếp cận, tạo ảnh hưởng, thúc đẩy và chỉ đạo nhân viên cấp dưới của mình. Phong cách quản lý có thể quyết định đến cách người quản lý xây dựng chiến lược, thực hiện kế hoạch cũng như đảm bảo hiệu quả công việc và quyền lợi cho nhân viên. 

Theo nghiên cứu của nhà tâm lý học Daniel Coleman đăng tải trên Harvard Business Review, sau khi đã xem xét và phân tích hơn 3.000 nhà quản lý cấp trung cho thấy phong cách quản lý có thể ảnh hưởng đến 30% lợi nhuận của công ty.

Trong nghiên cứu này, Daniel Coleman cũng phân loại và nêu rõ 6 phong cách phổ biến nhất thường được sử dụng bao gồm: cưỡng ép, định hướng, tiên phong, kết nối, dân chủ và huấn luyện.

Các phong cách quản lý phổ biến và thời điểm áp dụng phù hợp

Quản lý định hướng

Nhà quản lý theo cách định hướng thường tập trung vào việc truyền cảm hứng cho nhân viên, giúp họ hiểu được giá trị của các nhiệm vụ hàng ngày mà họ cần thực hiện và sẵn sàng cố gắng vì một mục tiêu chung. Nhà quản lý là người đưa ra định hướng, còn nhân viên sẽ được tự tìm cách sáng tạo để hiện thực hóa những nhiệm vụ đã được đề ra. 

phong-cach-quan-ly-dinh-huong

Phong cách quản lý này hiệu quả trong nhiều tình huống, nhất là trong thời điểm có công ty có sự thay đổi về các khía cạnh như định hướng kinh doanh, chiến lược vận hành,… hoặc cũng có thể trong bối cảnh hàng ngày, khi lãnh đạo muốn nhắc nhở nhân viên ý thức được mục tiêu cuối cùng cần hướng đến, tránh để họ bị phân tán vào các mục tiêu sai lệch khác. 

Nhà quản lý theo phong cách này cần phải thiết lập được mục tiêu rõ ràng, xác định được các nhiệm vụ cho từng thành viên và đặc biệt cần có khả năng truyền đạt ý tưởng tốt để nhân viên hiểu được những mục tiêu chung này. 

Quản lý tiên phong

Phong cách quản lý tiên phong thường tập trung vào việc yêu cầu bản thân và nhân viên đảm bảo được hiệu suất công việc cao và hoàn thành mục tiêu theo tiêu chuẩn nhất định. Nhà quản lý theo phong cách này thường không ngại gian khổ, cố gắng làm việc hiệu quả hơn và đồng thời cũng không quên thúc đẩy nhân viên của mình cùng phấn đấu để đạt kết quả tốt nhất. 

phong-cach-quan-ly-tien-phong

Phong cách này thường ít được sử dụng nhưng sẽ phù hợp khi cần thúc đẩy hiệu suất làm việc của nhân viên ở những giai đoạn gần cuối dự án, hoặc khi cần hoàn thành công việc trong thời gian ngắn. 

Tuy nhiên, nếu yêu cầu công việc quá mức cũng có thể khiến nhân viên cảm thấy áp lực, bị quá tải và có thể dẫn đến tình trạng nhân viên nghỉ việc nhiều hơn. Do đó, để theo phong cách quản lý này, nhà quản lý cần xem xét kỹ lưỡng những nhóm nhân sự phù hợp, cân bằng nhịp độ công việc để tránh làm cho nhân viên bị kiệt sức.  

Quản lý kết nối

Nhà quản lý theo phong cách kết nối thường tập trung xây dựng sự gắn kết về mặt cảm xúc giữa các thành viên trong nhóm, tạo ra tinh thần đồng đội để khuyến khích các thành viên sẵn sàng cùng nhau giải quyết các khó khăn. Từ đó, có thể thúc đẩy môi trường làm việc tích cực, nơi nhân viên có thể tự do chia sẻ ý tưởng và phản hồi, và cùng nhau làm việc hướng tới các mục tiêu chung. 

phong-cach-ket-noi

Phong cách quản lý này phù hợp khi đội nhóm mới được thành lập hoặc sau khi đội ngũ nhân viên vừa trải qua những tình huống khó khăn, xung đột hay bất đồng ý kiến. 

Để quản lý theo cách này, nhà quản lý cần hiểu được cảm nhận của các thành viên trong nhóm, đồng thời am hiểu về cách giải quyết xung đột hoặc cách để thúc đẩy tinh thần của người khác. 

Quản lý dân chủ

Người theo phong cách dân chủ thường có xu hướng coi trọng ý kiến đóng góp của nhân viên. Bằng cách lắng nghe và tạo cơ hội để nhân viên được đóng góp ý kiến, kết hợp với việc phản hồi để giúp các thành viên trong nhóm thấy rằng ý kiến ​​của họ có giá trị, tiếng nói của họ được lắng nghe và đóng góp của họ được trân trọng. Điều này mang lại cho đội ngũ cảm giác có trách nhiệm với công việc hơn.  

phong-cach-dan-chu

Phong cách quản lý này phù hợp khi nhà quản lý không quá chắc chắn về phương án hành động tốt nhất và cần sự chung sức đồng lòng đóng góp các ý tưởng mới mẻ từ nhân viên. Tuy nhiên, phong cách này chỉ mang lại hiệu quả khi các thành viên trong nhóm nhiệt tình trong công việc, đã có kinh nghiệm và am hiểu về tình huống mà công ty gặp phải.

Để áp dụng phong cách dân chủ có hiệu quả, nhà quản lý nên: 

  • Có sự giao tiếp rõ ràng với nhân viên về các vấn đề của công ty
  • Sử dụng kỹ năng lắng nghe nhiều hơn
  • Có khả năng thúc đẩy và tạo động lực để nhân viên chủ động đưa ra ý tưởng cho công việc

Quản lý huấn luyện 

Phong cách quản lý huấn luyện thường tập trung vào việc phát triển năng lực cá nhân cho mỗi thành viên, tạo điều kiện giúp nhân viên nuôi dưỡng điểm mạnh của mỗi thành viên trong nhóm và xây dựng các chiến lược cho phép các thành viên làm việc cùng nhau hiệu quả hơn. 

phong-cach-huan-luyen

Phong cách này phù hợp khi trong nhóm có thành viên mới, cần hỗ trợ để thích nghi với công việc hoặc khi nhà quản lý nhận thấy nhân viên cần phát triển thêm các kỹ năng dài hạn. 

Nhà quản lý theo phong cách huấn luyện có thể giúp nhân viên phát huy điểm mạnh của mình bằng cách:

  • Giao cho nhân viên những nhiệm vụ mới để họ thử sức và học hỏi
  • Cung cấp các gợi ý hoặc hướng dẫn
  • Tổ chức các cuộc họp để thảo luận và phản hồi mang tính chất xây dựng thường xuyên giúp nhân viên giải quyết các khó khăn còn gặp phải

Quản lý cưỡng ép

Người theo phong cách cưỡng ép thường có cách tiếp cận độc đoán và thái độ đòi hỏi nhân viên phải làm theo những gì mình nói.  

phong-cach-cuong-ep

Phong cách quản lý cưỡng ép sẽ chỉ phù hợp với một số tình huống phát sinh khẩn cấp, cần hành động nhanh chóng, quyết đoán hoặc khi cần phải làm việc với những nhân viên có thái độ không hợp tác. 

Mặc dù có thể mang lại kết quả tức thời nhưng phong cách này được cho là kém hiệu quả nhất. Nếu quá làm dụng hoặc sử dụng sai cách, nó có tác động xấu văn hóa công ty, làm tăng áp lực lên nhân viên, dẫn đến sự chán nản, thiếu gắn kết trong đội ngũ và làm tăng tỷ lệ nghỉ việc của nhân viên. 

Quản lý theo phong cách nào hiệu quả nhất? 

“Trở thành một nhà quản lý tuyệt vời có nghĩa là nhận ra rằng các hoàn cảnh khác nhau có thể đòi hỏi những cách tiếp cận khác nhau”, theo nhà tâm lý học Daniel Goleman. Những nhà quản lý thành công nhất là người biết cách điều chỉnh phong cách của họ cho phù hợp với những hoàn cảnh khác nhau.

Trên thực tế, không có nhà quản lý nào thành công nếu chỉ luôn sử dụng một phong cách cho mọi loại tình huống xảy ra trong công việc. Mỗi phong cách có những đặc điểm riêng biệt, có thể có tác dụng hữu ích trong một trường hợp cụ thể này nhưng lại có thể gây tác dụng ngược trong một vài trường hợp khác. Ví dụ như, cưỡng ép hay tiên phong có thể giúp tạo nên hiệu quả công việc nhanh chóng nhưng về lâu dài, nó có thể tạo ra môi trường làm việc áp lực, căng thẳng và có thể làm mất đi khả năng sáng tạo của nhân viên trong công việc. 

Do đó, để thành công dẫn dắt đội ngũ cùng đạt hiệu quả cao trong công việc, nhà quản lý cần chuyển đổi linh hoạt giữa những phong cách khác nhau. 

phong-cach-quan-ly-hieu-qua

Lựa chọn phong cách quản lý phù hợp

Nghiên cứu của Daniel Goleman cũng chỉ ra rằng sự thay đổi trong phong cách quản lý có thể bị chi phối bởi sự thay đổi về bối cảnh, thay đổi về mục tiêu của công ty hoặc sự thay đổi trong chu kỳ kinh doanh. Để lựa chọn phong cách phù hợp, người đứng đầu cần phải hiểu rõ bối cảnh của công ty, hiểu được vai trò tác động của mình đối với nhân viên và điều chỉnh cách của mình cho phù hợp.

Một số ví dụ về việc lựa chọn phong cách quản lý phù hợp cho từng tình huống có thể tham khảo gồm: 

  • Khi bắt đầu một dự án mới, bạn nên sử dụng kết hợp định hướng và kết nối, trong đó cần có định hướng rõ ràng và có tầm nhìn hấp dẫn để tập hợp nhóm lại với nhau và truyền cảm hứng cho mọi người hướng tới một mục tiêu chung. 
  • Khi một nhân viên gặp khó khăn trong công việc, bạn cần chuyển sang phong cách huấn luyện để giúp họ học một kỹ năng mới. 
  • Khi nhóm nhân viên năng động và giàu kinh nghiệm của bạn cần đáp ứng một thời hạn đầy thách thức, bạn cần sử dụng phong cách dẫn đầu. 

Trên thực tế sẽ có vô vàn tình huống phát sinh mà nhà quản lý không thể lường trước được. Lúc này, sự tinh tế và khôn khéo trong cách quản lý và xử lý tình huống sẽ khiến thử thách trở nên nhẹ nhàng hơn, và mục tiêu cũng dễ dàng hoàn thành hơn.

Hy vọng rằng bài viết trên đã giúp bạn có thêm những kiến thức hữu ích có thể ứng dụng trong công việc của mình!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *